Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu đối với trẻ sơ sinh, nó cung cấp các dưỡng chất như đạm, mỡ, đường, muối khoáng, vitamin… giúp hỗ trợ bé phát triển khỏe mạnh. Sữa mẹ có thể sử dụng trực tiếp hoặc lưu trữ dùng dần, do đó việc nhận biết những dấu hiệu sữa mẹ bị hỏng là điều cần thiết.
Sữa mẹ dự trữ vẫn có thể đảm bảo cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho trẻ như khi sử dụng trực tiếp. Tuy nhiên, trong quá trình bảo quản sữa dự trữ không thể tránh khỏi những hiện tượng như có mùi lạ, mùi chua… Vậy dấu hiệu sữa mẹ bị hỏng như thế nào? Khi nào có thể dùng và khi nào phải bỏ? Cách bảo quản sữa mẹ hợp lý? Bạn đọc hãy tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Những dấu hiệu sữa mẹ bị hỏng
Một vài dấu hiệu sữa mẹ bị hỏng dễ nhận biết như:
Sữa xuất hiện mùi chua hoặc mùi vị lạ sau khi rã đông
Khi bình thường, sữa mẹ nguyên chất có màu trắng ngà và mùi thơm dễ chịu hoặc mùi xà phòng, vị ngọt hoặc hơi ngọt, khác hẳn những sản phẩm sữa khác. Do đó, khi thực hiện rã đông sữa, nếu bạn ngửi thấy mùi khó chịu, chua, tanh và không được thơm dịu thì chắc chắn sữa mẹ đã bị hỏng hoặc quá hạn.
Ngoài ra mùi sữa có thể xuất hiện vị chua do:
- Nếu sữa mẹ có hàm lượng lipase cao, mùi vị của sữa có thể là mùi xà phòng, mùi kim loại hoặc mùi tanh. Tuy nhiên, trường hợp này sữa vẫn có thể sử dụng cho bé. Mẹ có thể vô hiệu hóa hoạt động của lipase bằng cách đun sôi sữa ở nhiệt độ thích hợp.
- Nếu sữa mẹ có mùi chua khó chịu và bị ôi thì có nghĩa là sữa đã bị oxy hóa hóa học và không thể sử dụng. Nguyên nhân khiến sữa bị hỏng có thể là do cách bảo quản hoặc do chế độ ăn chứa nhiều chất béo ôi, nước chứa ion đồng và sắt tự do làm xảy ra quá trình oxy hóa và gây mùi lạ.
Nổi váng trong sữa mẹ
Một trong những dấu hiệu sữa mẹ bị hỏng không thể bỏ qua đó là tình trạng nổi váng. Trên thực tế, sữa mẹ có chứa một lượng lớn chất béo, do đó việc nổi váng vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, ở trường hợp bình thường, nếu lắc đều bình sữa, lớp váng hòa tan hoàn toàn trong sữa mẹ thì có nghĩa là chất lượng sữa vẫn đảm bảo, mẹ chỉ cần đem hấp cách thủy ở nhiệt độ phù hợp và cho trẻ dùng bình thường.
Tuy nhiên, nếu sau khi đã lắc đều mà váng sữa vẫn nổi trên bề mặt hoặc có xu hướng tách biệt hoàn toàn với sữa mẹ thì có nghĩa là sữa mẹ đã bị hư hỏng hoặc quá hạn và không nên cho bé sử dụng.
Ngoài ra, sữa mẹ có thể bị cặn trắng sau khi rã đông. Nguyên nhân này xuất phát từ việc mẹ uống ít nước nên chất lượng sữa thường đặc và gây hiện tượng khó tan. Lúc này, mẹ chỉ cần điều chỉ lại chế độ ăn uống cho phù hợp và vẫn có thể cho bé sử dụng sữa bình thường.
Bảo quản sữa quá thời gian
Sữa mẹ có khả năng làm chậm quá trình phát triển của các vi khuẩn và vi sinh vật gây hại. Tuy nhiên, trong thời gian bảo quản, đặc tính này có thể bị suy giảm, nhất là khi sữa chỉ được bảo quản ở bên ngoài. Vì vậy, việc chú ý đến thời gian bảo quản cũng là một cách nhận biết dấu hiệu sữa mẹ bị hỏng. Để theo dõi chính xác thời gian bảo quản, mẹ có thể ghi chú bên ngoài túi trữ đông ngày và giờ lấy sữa.
Nhiều người thắc mắc, sữa mẹ vắt ra để được bao lâu? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ở nhiệt độ phòng sữa mẹ sau khi vắt có thể duy trì được từ 2 – 6 giờ, 2 ngày nếu bảo quản trong tủ mát và bảo quản đúng cách trong tủ đông chuyên dụng thì sữa có thể đảm bảo tốt trong khoảng 2 – 6 tháng. Ngoài ra, thời gian bảo quản sữa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do đó để đảm bảo an toàn và chất lượng sữa tốt nhất, bạn chỉ nên bảo quản sữa mẹ trong tủ đông không quá 4 ngày để tránh hiện tượng hư hỏng hoặc mất chất dinh dưỡng.
Trẻ quấy khóc và không muốn bú sữa mẹ
Vị giác của trẻ sơ sinh rất nhạy bén, nhất là khi tiếp xúc với sữa mẹ. Nếu khi mẹ cho bé bú sữa sau khi đã rã đông mà trẻ có hiện tượng lạ, không muốn uống hoặc quất khóc thì rất có thể vị sữa đang gặp vấn đề, bị hư hỏng hoặc quá hạn khiến cho trẻ không muốn sử dụng. Lúc này, mẹ nên loại bỏ và thay bằng sữa khác đảm bảo chất lượng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng sữa mẹ bị hỏng
Sữa mẹ bị hỏng khi thực hiện bảo quản có thể do nhiều nguyên nhân, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:
- Đồ dùng sử dụng trong quá trình vắt sữa như máy hút sữa, túi trữ sữa nếu không được tiệt trùng và đảm bảo vệ sinh hoặc không đạt tiêu chuẩn về chất lượng có thể làm sữa bị hỏng và gây ra những nguy hại khác.
- Để sữa ở nơi không đúng: Nhiều người có thói quen để ở ngăn cánh cửa tủ lạnh, nơi này nhiệt độ thường không quá lạnh và sữa dễ bị rã đông ngay cả khi vẫn còn trong tủ lạnh. Ngoài ra, việc thường xuyên mở cánh cửa tủ lạnh ra để lấy đồ ăn cũng khiến cho nhiệt độ bảo quản của sữa không đạt tiêu chuẩn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và làm sữa nhanh chóng bị hư hỏng.
- Chế độ ăn uống của mẹ chứa nhiều thực phẩm có mùi cay nồng, mùi tanh, tỏi, ớt… hoặc mẹ sử dụng nhiều thuốc kháng sinh làm sữa dễ có mùi chua.
- Vệ sinh bầu ngực chưa sạch: Trước khi vắt sữa, mẹ nên vệ sinh bầu ngực trước. Lượng sữa bị rỉ ra ngoài nếu không được vệ sinh dễ gây ra các mùi hôi khó chịu, đồng thời cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển và gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
- Khi bảo quản sữa mẹ trong thời gian dài hàm lượng các chất dinh dưỡng sẽ bị hao hụt và khi để quá hạn sẽ khiến sữa mẹ bị hỏng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nếu trẻ sử dụng.
- Đóng bình hoặc túi quá đầy: Việc đổ quá nhiều cũng khiến cho sữa bị hư hỏng và quá hạn nhanh hơn. Trong quá trình làm đông, sữa sẽ giãn nở và gây tràn ra ngoài.
- Một vài người có thói quen để dồn sữa cũ và sữa mới vắt. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân khiến cho sữa nhanh chóng bị hỏng. Sự chênh lệch của nhiệt độ gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
- Thực hiện hâm nóng sữa bằng lò vi sóng: Dùng lò vi sóng là một cách làm sữa nóng nhanh chóng. Tuy nhiên, sữa thường nóng không đồng đều khi dùng biện pháp này, bên cạnh đó, nhiệt độ của lò vi sóng cũng có thể tiêu diệt một số kháng thể có trong sữa.
Tác hại của sữa mẹ bị hỏng đối với trẻ
Đôi khi bạn không nhận biết được những dấu hiệu sữa mẹ bị hỏng và vô tình khiến cho trẻ ăn phải sữa bị hư. Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh thường rất yếu, sức đề kháng chưa phát triển hoàn toàn do đó trẻ có thể gặp phải một số vấn đề khi sử dụng sữa hỏng như:
- Tiêu chảy: Sữa hỏng gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa và khiến trẻ bị tiêu chảy ngay sau khi sử dụng. Một số trẻ có tình trạng sôi bụng, đau bụng, đầy hơi và phân có mùi lạ, màu lạ.
- Nôn mửa, nôn trớ nhiều lần có thể xảy ra nếu trẻ uống phải sữa bị hư hỏng.
- Sốt: Mặc dù không phổ biến nhưng trẻ có thể bị sốt sau khi uống sữa bị hư, nhất là sữa đã bị nhiễm khuẩn.