Trẻ nóng tính, thường xuyên cáu gắt và giận dữ khiến nhiều cha mẹ không khỏi băn khoăn làm sao để cải thiện được tính cách này của trẻ. Việc trẻ thể hiện cảm xúc tiêu cực thái quá có thể gây tổn thương cho người khác, thậm chí là nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Cách dạy trẻ nóng tính cảm nhận cảm xúc
Con người có rất nhiều loại cảm xúc khác nhau như: Buồn, vui, tức giận, lo lắng,… Tuy nhiên, trẻ cần phải học cách biểu đạt những cảm xúc này ra bên ngoài sao cho phù hợp. Trước hết, trẻ cần hiểu rõ được cảm xúc của bản thân. Sau đó, bạn nên hướng dẫn trẻ quan sát thái độ của người khác để cư xử sao cho khéo léo hơn.
Điều chỉnh cảm xúc dựa trên thước đo sự tức giận
Nếu việc kiểm soát cảm xúc của con trở nên khó khăn, cha mẹ nên giúp con điều chỉnh cơn tức giận bằng cách tạo ra một thước đo cảm xúc. Bạn có thể biểu thị các mức độ tức giận từ 0 – 10 trên thước đo để bé dễ hiểu và quan sát. Trong đó, mức 0 là trạng thái “vui vẻ”, mức 5 là “mức tức giận trung bình” và mức 10 là “rất tức giận”. Các mức điểm này tương ứng với từng ngôn ngữ cơ thể như: Cười, cau có, nắm chặt tay,…
Để phương pháp này phát huy hiệu quả một cách tối đa, cha mẹ nên đặt thước đo này ở nơi trẻ dễ nhìn thấy. Bạn có thể thường xuyên hỏi xem con đang cảm thấy như thế nào và giúp con điều chỉnh cảm xúc sao cho phù hợp.
Dạy trẻ cách thư giãn để giữ bình tĩnh
Trong nhiều trường hợp, trẻ hay tỏ ra nóng nảy, cáu gắt ngay khi cảm thấy không hài lòng hoặc không có được thứ mà mình mong muốn. Cha mẹ cần cho trẻ biết rằng đây là thói quen xấu, cần học cách lấy lại bình tĩnh và thư giãn để làm dịu bớt cơn nóng giận. Chẳng hạn, cha mẹ có thể cho con thời gian suy nghĩ để điều chỉnh cảm xúc rồi mới bày tỏ quan điểm cá nhân.
Ngoài ra, một trong những cách dạy trẻ nóng tính hiệu quả nhất là cho trẻ làm các hoạt động nhẹ nhàng như: Vẽ tranh, tô màu, đọc sách,…
Trang bị kỹ năng kiềm chế cảm xúc cho con
Một số kỹ năng kiểm soát cảm xúc đơn giản và hiệu quả mà cha mẹ có thể trang bị cho con là:
- Hít thở sâu trong 45 giây;
- Đếm từ 1 – 10;
- Nắm chặt hai tay;
- Ngồi yên để thư giãn trong khoảng 5 – 10 phút;
- Đi dạo chậm rãi để lấy lại bình tĩnh;
- Tâm sự với người lớn, cha mẹ;
- Suy nghĩ đến những điều tích cực.
Thường xuyên dành lời khen cho trẻ
Dù là người lớn hay trẻ nhỏ thì cũng đều mong muốn nhận được những lời khen chân thành. Vì vậy, cha mẹ đừng tiết kiệm việc dành lời khen cho trẻ trong những hoạt động nhỏ nhất, nhằm nâng cao cảm xúc tích cực của trẻ. Chẳng hạn, trong việc kiềm chế cảm xúc tức giận, khi trẻ cư xử một cách nhẹ nhàng, cha mẹ có thể cổ vũ bằng những câu nói như: “Hôm nay con làm tốt lắm”, “Bố mẹ rất vui vì con đã biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình”,… Lúc này, trẻ sẽ cảm thấy phấn khởi và làm tốt hơn ở những lần sau.
Nếu trẻ vô cùng tức giận, cha mẹ có thể giải tỏa cảm xúc cho con bằng những lời động viên hoặc cử chỉ thân mật như ôm, hôn. Trẻ sẽ ngay lập tức cảm thấy bớt cáu gắt hơn và suy nghĩ về những hành động của mình.
Làm gương cho con
Cha mẹ là tấm gương phản chiếu các hành động của con. Cha mẹ cũng là người mà con trẻ tiếp xúc nhiều nhất nên trẻ có thể bắt chước hành vi của cha mẹ. Vì vậy, bạn cần biết cách kiểm soát sự nóng giận của bản thân để làm gương cho con. Cha mẹ thường xuyên nóng giận, cãi cọ thì trẻ sẽ thu mình hơn, nhạy cảm với lời nói và hành động của người khác. Ngược lại, cha mẹ vui tính, nhẹ nhàng thì con sẽ thoải mái bộc lộ cảm xúc hơn.
Do đó, khi trẻ làm sai, cha mẹ cũng cần giữ sự bình tĩnh, kiên nhẫn, tránh la mắng, đánh đập con. Tốt nhất, bạn nên dạy dỗ nhẹ nhàng, chỉ ra lỗi sai để con không tái phạm trong những lần sau.
Nghiêm khắc trong dạy dỗ trẻ
Nhiều trẻ em trở nên hư hỏng hoặc cáu gắt do người lớn nuông chiều quá đà. Do đó, bạn tuyệt đối không thỏa hiệp với những điều kiện không chính đáng của trẻ, không đáp ứng khi trẻ sử dụng chiêu trò la hét, khóc lóc. Nếu cảm thấy trẻ đang cáu giận vô cớ, bạn có thể áp dụng các hình thức phạt để răn đe trẻ, nhằm tránh trẻ tái phạm.
Tránh xa môi trường bạo lực
Trẻ em cũng giống như một tờ giấy trắng. Do đó, khi trẻ tiếp xúc với môi trường bạo lực trong thời gian dài thì sẽ dẫn đến các bệnh về tâm lý khó chữa lành. Vì vậy, dù là trong gia đình hay tại trường học, bạn cũng nên tạo môi trường sống thật tốt để trẻ phát triển toàn diện.
Dành thời gian tâm sự cùng con
Một trong những cách dạy trẻ nóng tính quản lý cảm xúc hiệu quả nhất là dành thời gian tâm sự cùng con. Dù bận rộn như thế nào, cha mẹ cũng nên dạy con đúng cách, trò chuyện để biết được vấn đề mà bé đang gặp phải. Việc tâm sự thường xuyên sẽ giúp con mở lòng hơn. Từ đó, hướng dẫn con cách khắc phục tình trạng nóng giận vô cớ.
Quản lý các mạng xã hội của con
Hiện nay, sự phổ biến của mạng xã hội khiến cho trẻ dễ dàng bắt gặp các video có nội dung bạo lực. Bởi vậy, trẻ cần kiểm soát chúng kịp thời để tránh trẻ bắt chước theo. Tốt nhất, bạn nên cho con sử dụng các mạng xã hội dành riêng cho trẻ em để dễ kiểm soát hơn.
Trên đây là những cách dạy trẻ nóng tính kiểm soát cảm xúc đơn giản và hiệu quả nhất. Dạy con là một hành trình dài, có nhiều khó khăn, nhưng cũng đầy thú vị và mới mẻ. Sự kiên nhẫn và lòng yêu thương sẽ giúp cha mẹ vượt qua một cách dễ dàng. Hy vọng với những chia sẻ trên, cha mẹ đã trang bị thêm nhiều cách dạy con hay và tiến bộ nhé! Cảm ơn bạn đã đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu trong bài viết này. Đừng quên nhấn theo dõi trang web của chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin sức khỏe bổ ích.